Một bức ảnh chụp sản phẩm có chất lượng tốt là phần không thể thiếu trong thương mại điện tử. Nhiều khách hàng thậm chí quyết định có mua sản phẩm hay không chỉ thông qua ảnh chụp sản phẩm đó. Ảnh chụp sản phẩm dù quan trọng nhưng không có nghĩa là tốn kém.
Điểm khác biệt giữa một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và một nhiếp ảnh gia nghiệp dư là tài năng, thiết bị và kinh nghiệm. Nếu bạn có con mắt tinh tế về nhiếp ảnh và một ngân sách hạn hẹp, hãy làm theo 7 bước dưới đây chụp ảnh quảng cáo quần áo bán online tuyệt đẹp.
Chuẩn bị sản phẩm
Sản phẩm nên được chụp khi ở trạng thái tốt nhất. Có một sự thật trớ trêu là quần áo rất dễ bị nhàu, gấp nếp, hay trông như đồ đã mặc. Hàng mẫu thường phải trải qua khoảng thời gian dài di chuyển và có thể chưa được may một cách hoàn hảo để bắt đầu.
Chuẩn bị trang phục trước khi chụp hình là bước vô cùng quan trọng nhưng nhiều người lại bỏ qua và dựa vào Photoshop để sửa những chỗ nhàu, vết bẩn, những khuyết điểm có thể bị nhìn thấy. Bạn hoàn toàn không nên làm vậy.
Photoshop không phải phép thuật: việc chỉnh sửa ảnh sẽ làm tốn thời gian và nó cũng đòi hỏi chuyên môn để làm chủ được những kĩ thuật phức tạp. Việc chỉnh sửa nhiều cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Hãy cố chụp ảnh khi quần áo ở trạng thái tốt nhất và chỉ dùng Photoshop chỉnh sửa một vài khuyết điểm cũng như đảm bảo màu của sản phẩm.
Là hơi giúp sản phẩm trông đẹp hơn trước khi chụp
Kiểm tra kĩ sản phẩm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, để xem có nhãn, hình dán, hay bất kì thứ gì cần loại bỏ.
Nếu quần áo bị nhàu hay gấp nếp, hãy là chúng. Hãy sửa lại những chỗ bị lỗi và loại bỏ những gì gây mất tập trung, ví dụ, bạn có thể dùng băng dính hoặc cây lăn bụi để loại bỏ bụi và chỉ may.
Bày trí studio
Với một ít phụ kiện, bạn có thể biến bất kì căn phòng nào có không gian thành một studio chụp ảnh. Nếu chỉ có một số tiền nhỏ, bạn vẫn có thể chụp với một chiếc máy ảnh, chân máy ảnh, một tờ giấy trắng khổ rộng, ống băng dính, và ánh sáng tự nhiên.
Nếu bạn có nhiều hơn chút và muốn kiểm soát địa điểm và thời gian chụp, bạn có thể đầu tư vào một số thiết bị khác.
Studio với camera, chân máy ảnh, c-stand, giấy, mannequin, bộ dụng cụ monolight
Phông nền
Phông nền trắng hoặc màu ghi nhạt giúp tránh sự phân tâm và đảm bảo sản phẩm chụp lên đúng màu nhất có thể. Những cuộn giấy trắng vừa phù hợp, rẻ, lại luôn được bán sẵn ở các cửa hàng dụng cụ nhiếp ảnh. Nếu có cuộn giấy đó, bạn hãy dùng một cái c-stand để cố định. Trải cuộn giấy ra sàn để nó có đường cong, tránh trường hợp giấy bị gấp nếp sau đó dùng băng dính cố định lại.
Sử dụng giá đỡ giúp bạn linh hoạt hơn trong việc sắp xếp vị trí phông nền cũng như di chuyển xung quanh studio. Nếu không, bạn có thể dán giấy lên tường hoặc trần nhà. Sản phẩm mặc trên người mẫu hoặc mannequin cần được đặt ở giữa phông nền và ngay đối diện máy ảnh.
Camera
Máy ảnh là phần thiết yếu trong việc chụp hình, nhưng đừng nghĩ rằng nó quyết định thành công của bức ảnh. Máy ảnh chỉ như một mảnh ghép trong cả một bức tranh, nên bạn không cần đầu tư toàn bộ số tiền mình có vào nó. Bạn nên sử dụng một chiếc máy ảnh DSLR ít nhất có các cài đặt phơi sáng thủ công và khẩu độ, nếu không bạn cũng có thể sử dụng chính chiếc điện thoại thông minh của mình.
Chân máy ảnh giúp có được sự vững chắc, tránh cho camera bị rung, đảm bảo các bức hình được chụp thống nhất và tay bạn cũng thoải mái để làm các việc khác. Bạn không cần mua một cái chân máy quá đắt tiền, nhưng vẫn tốt hơn khi bạn có một chiếc.
Hãy đặt chân máy và camera đối diện trực tiếp với sản phẩm. Để chụp nhiều góc của sản phẩm, bạn sẽ di chuyển sản phẩm chứ không phải camera.
Đặt máy ảnh của bạn lên chân máy và hướng thẳng đối diện với sản phẩm
Chiếu sáng
Ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ là nguồn sáng không hề tốn kém lại có chất lượng cao cho bất kì nhiếp ảnh gia chụp quần áo nào. Nếu bạn có một ô cửa sổ rộng và rất nhiều ánh sáng chiếu vào thì có lẽ đó là tất cả những gì bạn cần. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn nên thuê hay đầu tư cho một bộ dụng cụ chiếu sáng đơn giản.
Dụng cụ chiếu sáng sẽ giúp bạn chụp được ảnh cả khi không có đủ ánh sáng tự nhiên. Một chút thay đổi có thể giúp tăng hiệu quả công việc và ánh sáng nhất quán sẽ giúp bạn đạt được một tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Bạn sẽ cần đến light head, softbox, c-stand, pin, và pocket wizard.
‘Light head’ đơn giản là đèn. Bạn nên bắt đầu với đèn chớp đơn, thường được gọi là ‘monolight’. Đây có thể là thiết bị đắt nhất trong hộp dụng cụ của bạn, thậm chí đắt hơn cả chiếc máy ảnh. Chính vì vậy, hãy dành ra một khoảng thời gian để tìm hiểu và chọn cho mình sản phẩm tốt nhất.
Một softbox là cần thiết để khuếch tán ánh sáng và chụp hình sản phẩm một cách hấp dẫn nhất. C-stand sẽ giữ đèn của bạn và những softbox xung quanh. Pocket wizard sẽ đồng bộ máy ảnh của bạn với ánh sáng, chủ yếu là nó sẽ chuyển ánh sáng từ đèn vào đèn flash của máy. Và tất nhiên, pin được dùng để sạc cho đèn.
Bố trí ánh sáng
Nếu chụp ảnh với ánh sáng tự nhiên, bạn cần đặt sản phẩm gần cửa sổ sao cho nó nhận được ánh sáng vừa phải. Còn nếu bạn sử dụng monolight, dưới đây là sơ đồ ví dụ cho cách bố trí ánh sáng.
Đặt 1 nguồn sáng và softbox hoặc ô ở góc 450 so với sản phẩm để ánh sáng dịu và bao trùm lên khắp sản phẩm đó. Đặt máy ảnh trực tiếp phía trước sản phẩm. Nếu sản phẩm đặt hơi gần với phông nền, bạn sẽ thấy bóng xuất hiện. Khi đó, bạn chỉ cần dịch chuyển sản phẩm xa ra khỏi phông nền. Bật nguồn sáng ở mức trung bình.
Căn chỉnh độ sáng cho sản phẩm thường chỉ là vấn đề sử dụng đồng hồ đo sáng và bạn có thể nhìn qua ống ngắm để điều chỉnh sao cho đồng hồ đạt số 0. Sẽ khó hơn khi bạn sử dụng strobe vì máy ảnh không đo được ánh sáng cho đến khi có đèn flash.
Tuy nhiên, một chiếc đồng hồ đo sáng cầm tay sẽ giúp bạn đọc được ánh sáng dễ dàng và chính xác. Bằng việc đồng bộ nó với hệ thống đèn và đặt trước sản phẩm, bạn có thể có được số đọc chính xác.
Nếu không có đồng hồ đọc sáng, hãy bắt đầu với việc cài đặt tốc độ màn chập ở 1/200 hoặc thấp hơn và khẩu độ kính từ f/11 trở lên. Sau đó, bạn cần chụp thử vài kiểu và thay đổi các cài đặt trong máy để có được độ phơi sáng và tập trung tốt nhất.
Nếu bạn chụp quá nhanh, ánh sáng có thể sẽ không thích ứng được. Tùy thuộc vào dung lượng pin, bạn nên có những khoảng thời gian ngắn giữa những lần chụp để đèn nạp năng lượng.
Thiết kế cho mannequin (ma-nơ-canh) hoặc người mẫu
Chụp ảnh quần áo trên mannequin (ma-nơ-canh) hay người mẫu là cách tốt nhất để thể hiện kiểu dáng sản phẩm, đồng thời giúp khách hàng hình dung mình khi mặc sản phẩm sẽ như thế nào.
Mặc dù người mẫu giúp trang phục trở nên sống động hơn, nhưng việc thuê những người chuyên nghiệp lại khá tốn kém. Mannequin là một giải pháp vừa rẻ lại vừa dễ dàng cho bạn làm việc.
Hãy dành thời gian để thiết kế sản phẩm lên mannequin. Bạn có thể ghim lại nếu bộ đồ rộng và gấp nếp nếu nó quá dài do với mannequin.
Bạn có thể tạo hiệu ứng mannequin vô hình trong khi chỉnh sửa
Nếu bạn lo việc sử dụng mannequin làm khách hàng cảm thấy rối trí hoặc khiến sản phẩm trông rẻ tiền, bạn có thể sử dùng kĩ thuật mannequin tàng hình trong công đoạn hậu kì. Bạn cần chụp mỗi sản phẩm thêm vài kiểu ảnh để sau đó loại bỏ mannequin và tạo ảnh 3D mà thể hiện được kiểu dáng sản phẩm.
Cài đặt máy ảnh
Nếu máy ảnh của bạn cài đặt sai, Photoshop cũng không thể biến bức ảnh của bạn trông chuyên nghiệp được. Vậy nên hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ ISO, khẩu độ, cân bằng trắng trước khi chụp.
Hãy chắc chắn rằng ISO không cao hơn 600-640. ISO càng cao khiến ảnh càng bị nhiễu, có nhiều hạt xám hoặc hạt màu. Với chỉ số ISO cao, sản phẩm chụp không sắc nét. Sử dụng chân máy ảnh sẽ cho phép bạn giữ ISO ở 100-200 và có được độ rõ nét cũng như độ sắc nét tốt nhất.
Khẩu độ, thường được biểu thị bằng số f (f/16, f/2.8), giúp kiểm soát sự tập trung. Khẩu độ càng lớn, càng nhiều khía cạnh của bức ảnh được tập trung. Bạn cần cài đặt khẩu độ cao hơn f/11, như vậy mọi khía cạnh của sản phẩm sẽ được tập trung hoàn toàn.
Đã bao giờ bạn nhìn một bức ảnh và có cảm giác như nó được chụp qua bộ lọc xanh hay cam? Điều đó có nghĩa chế độ cân bằng trắng đã bị tắt. Nhiều nguồn ánh sáng có nhiệt độ khác nhau khiến máy ảnh khó có thể xác định được ánh sáng trắng thật sự. Cân bằng trắng giúp máy ảnh nhận biết màu sắc ánh sáng mà nó chụp. Có nhiều nguồn sáng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là đèn Vonfam, đèn huỳnh quang, LED, và ánh sáng mặt trời.
Bạn có thể cài đặt cân bằng trắng đặc biệt theo loại nguồn sáng mà bạn đang sử dụng, hoặc cài đặt chế độ tự động và để máy ảnh quyết định. Dù lựa chọn của bạn gì, nhất định không được quên cài đặt cân bằng trắng vì nếu không bạn sẽ rất vất vả để tạo lại màu đúng của sản phẩm trong Photoshop.
Chụp ảnh
Cuối cùng cũng đến giây phút bạn hằng mong chờ. Hướng máy ảnh về phía sản phẩm, ấn nút chụp xuống nửa để camera tập trung vào đối tượng, sau đó thì ấn chụp. Nếu trong quá trình chụp bạn cảm thấy ảnh cần chỉnh sáng, hãy điều chỉnh lại. Càng chụp nhiều, bạn sẽ có thể tự điều chỉnh theo bản năng của mình.
Hãy chụp càng nhiều ảnh càng tốt. Có thể bạn muốn chụp phía trước, phía sau, góc 45 độ, bên trái, bên phải, và cả các chi tiết khác.
Chụp càng nhiều, bạn sẽ chụp càng tốt. Bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn để tìm ra những bức đẹp nhất và việc một sản phẩm có nhiều hình chụp được chứng minh là sẽ giúp tăng doanh số bán hàng. Khách hàng sẽ càng tin vào ấn tượng của họ về sản phẩm nếu được xem nhiều ảnh chụp từ nhiều góc độ khác nhau.
Quá trình hậu kì
Ảnh chụp xong cần được chuẩn bị để đăng lên trang web. Mục đích của quá trình hậu kì là làm cho những bức ảnh của bạn trông thật chuyên nghiệp trong khi duy trì hình ảnh tốt nhất. Đây là bước đơn giản và có lợi nhất để bạn thuê người khác làm vì những sản phẩm kĩ thuật số được chuyển rất dễ dàng mà lại không tốn nhiều thời gian, tiền bạc.
Nếu bạn tự thực hiện công đoạn hậu kì, hãy đảm bảo các bước căn chỉnh, cắt ảnh, xóa bỏ phông nền, chỉnh đúng màu để có được những bức ảnh đồng nhất và chuyên nghiệp. Hãy lưu lại những gì bạn đã thực hiện để tạo một bộ chi tiết tiêu chuẩn của việc chụp ảnh và chỉnh sửa.
Đảm bảo rằng các sản phẩm đều có cùng kích cỡ và được chụp ở trung tâm mỗi bức hình. Bạn muốn mọi góc cạnh của sản phẩm để có thể xếp chúng liên quan đến nhau. Cách đơn giản nhất để đảm bảo việc căn chỉnh là tạo một đường kẻ dẫn trong Photoshop.
Những bức ảnh được sắp xếp thẳng sẽ đẹp hơn và có sự liên kết
Kinh nghiệm là người thầy tốt nhất
Tự mình thực hiện là một thử thách lớn. Bạn sẽ không làm được một cách hoàn hảo ngay lần đầu tiên, như vậy cũng không sao. Mục tiêu của bạn nên là cải thiện qua mỗi lần chụp và có được những bức hình đẹp nhất có thể. Ảnh chụp đẹp hơn có nghĩa doanh số bán hàng cao hơn và có nhiều cơ hội hơn để mọi người thưởng thức sản phẩm của bạn.
Hãy ghi nhớ 7 bước chụp ảnh quần áo tuyệt đẹp. Chuẩn bị sản phẩm, sắp xếp studio, đặt vị trí ánh sáng, tạo mẫu sản phẩm, cài đặt máy ảnh, chụp, và làm hoàn thiện bức ảnh nhờ quá trình hậu kì. Chỉ cần làm theo những bước trên và bạn sẽ có được những bức hình chụp sản phẩm với chất lượng cao đáng tự hào.